Annapurna Circuit là một cung trek rất đẹp của Nepal. Mình đi chuyến này hết 23 ngày, trong đó 14 ngày trek, 6 ngày bị kẹt trên núi và 3 ngày di chuyển. Tổng quảng đường đi bộ gần 200km, dài nhất từng đi.
Theo mình 17 ngày sẽ là vừa đủ cho những bạn không có nhiều thời gian nhưng muốn đi cung này.
– Tổng chi phí: nếu đi tự túc hoàn toàn, tự vác đồ thì sẽ dao động từ 25tr-30tr tùy theo mức độ chi tiêu, phần mình là 26 triệu. Còn nếu đi qua công ty tour hay là tự thuê porter, guide thì sẽ từ 35-50 triệu.
– Book vé máy bay: đến thời điểm mình viết bài này thì giá vé rẻ nhất vẫn là đường bay qua Ấn, dù cho bạn sẽ mất 25$ visa Ấn cho 30 ngày. Nên book trước 1 tháng trở lên, giá vé sẽ dao động từ 10-12tr tùy vào thời gian bay.
– Visa: Xin rất dễ, dạng on arrival, cấp ngay tại sân bay Kathmandu. Phí là 30$ cho 15 ngày mà 50$ cho 30 ngày.
– Sức khỏe: nên tập chạy bộ là leo cầu thang trước đó 1 đến 2 tháng. 80% các ngày trek sẽ tương đối nhẹ nhàng, dễ hơn leo Lảo Thẩn nhé, cái này không phải riêng mình mà nhiều người đánh giá nhé
– Đồ đạc cần thiết: Mình đã có 1 bài khá khá chi tiết ở đây https://www.facebook.com/photo/?fbid=4595791550489952&set=a.311272672275216
– Bảo hiểm du lịch: mình mua của AIG gói cơ bản, gần 900k cho 24 ngày, nhớ in ra luô nhé.
– Các loại giấy tờ:
+ Visa Ấn: link https://indianvisaonline.gov.in/evisa/tvoa.html Phí là 25$ cho 30 ngày và được nhập cảnh 2 lần. Nên làm trước đó 1 tuần nhé để đề phòng có sự cố còn kịp xử lý.
+ 6 ảnh 3×4 dùng lúc xin giấy phép leo núi.
+ In toàn bộ vé máy bay và giấy chứng nhận đã tiêm 2 mũi vacxin bằng tiếng anh.
Một số lưu ý trong chuyến đi:
Sốc độ cao là nguy hiểm số 1 cần tránh. Những dấu hiệu sẽ đến từ từ nên mọi người không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Tức ngực, khó thở hay nặng đầu là những dấu hiệu đầu tiên nếu trong vài ngày mà vẫn không giảm và trở nặng hơn thì bạn phải giảm độ cao ngay, nghỉ ngơi ở độ cao thấp hơn 1,2 ngày rồi leo lên tiếp. Nếu triệu chứng vẫn không giảm thì bạn phải đi ngược xuống và chấp nhận bỏ cuộc. Mặt dù rất khó khăn để đưa ra quyết định như thế này nhưng đỉnh núi vẫn ở đó và mạng sống là trên hết.
Từ độ cao 3000m thì ngày hôm sau chỉ được đi lên cao hơn ngày hôm trước tối đa 700m (ngưỡng an toàn là 500m), điều này là bắt buộc. Rất nhiều bạn leo khỏe đã bị sốc độ cao vì lý do này. Và nhớ “Leo cao, ngủ thấp”, sau 3000m thì vào mỗi buổi chiều khi đến chổ nghỉ bạn nên leo lên lên 1h rồi quay lại chổ nghỉ để cơ thể có thể thích ghi với độ cao.
Chi phí cho mỗi ngày trên núi dao động từ 300k-500k. Về ăn uống thì hầu hết những teahouse cùng độ cao sẽ có giá như nhau, bảng giá do chính phủ quy định. Nếu bạn ăn tối, ăn sáng có khi sẽ được free chổ ở, còn ko thì tiền phòng cũng rất rẻ, khoảng 100k đổ lại.
Khi đến 1 điểm dừng chân thì mọi người thường hay ở những teahouse đầu tiên họ thấy. Nhưng mình khuyên bạn nên chịu khó đi tiếp thì có thể chọn được vài teahouse ok hơn.
Cung AC có đường cho xe jeep chạy lên đến tận Manang, nên nếu đi đường như thông thường thì bạn sẽ có nhiều ngày đi trên con đường bụi bặm này. Để tránh việc đó thì có những đoạn đường Trail được đánh dấu bằng vạch trắng xanh hay trắng đỏ. Đi những đường này cảnh rất đẹp, hoàn toàn yên tĩnh và đôi khi lại ngắn hơn đường chính.
Hành trình 17 ngày:
Lưu ý nhỏ là nên book dư ra 1,2 ngày đề phòng thời tiết xấu và thêm 4 ngày nếu kết hợp leo Poonhill. Riêng mình thì do bị kẹt 6 ngày nên hành trình có nhiều thay đổi, tổng thời gian mình ở Nepal tới tận 22 ngày. Vì vậy nếu để đi trọn vẹn cung này thì sẽ mất 21-23 ngày.
Ngày 1: Bay từ Việt Nam- Ấn Độ- Nepal.
– Nhập cảnh ở Ấn độ sẽ khá mất thời gian vì số lượng người rất đông mà nhân viên thì làm việc khá “chậm rãi”. Tiếp theo là lấy hành lý và thủ tục xuất cảnh để bay qua Nepal, đoạn này càng lâu hơn nhập cảnh nữa, mình mất hơn 2h đồng đồ. Vậy nên khi book vé mb thì nên chọn 2 chuyến bay cách nhau ít nhất 4h cho an toàn.
– Lưu ý cho những bạn có Flycam thì lúc xuất cảnh bắt buộc phải tháo pin và bỏ vào hành lý ký gởi nhé. Mình đã bị giữ lại ở đây vì lý do này nhưng may sao bên nhân viên an nin đã nhờ phi hành đoàn xách hộ nên không phải mất 40$ để mua thêm hành lý ký gởi.
– Thủ tục nhập cảnh ở sân bay Kathmandu của Nepal khá đơn giản. Khi vừa xuống sân bay thì sẽ có nhân viên hướng dẫn bạn khai báo thông tin trên một cái máy, khai báo xong bạn qua đóng tiền Visa và nhập cảnh.
– Mua sim ở Nepal: ở sân bay có 2 quầy bán sim là Nepal Telecom và Ncell. Nên mua Nepal Telecom thì sóng sẽ mạnh hơn ở vùng núi, chắc kiểu như Viettel ở mình, giá mua 1 cái sim chưa tới 20k, các gói 4G cũng rất rẻ, không tới 100k cho 22 ngày ở Nepal.
– Di chuyển sân bay về trung tâm: chỉ có 1 phương tiện duy nhất là taxi. Quầy mua vé taxi ngay trong sân bay gần thang máy, giá vé niêm yết là 160k . Nếu bạn ra phía ngoài hỏi hay book từ khách sạn thì giá cao hơn khoảng 10$.
– Khách sạn ở Kathmadu: nên ở khu phố cổ Thamel để đi lại cho tiện, giá phòng ở đây khá hợp lý. 300-400k đã có 1 phòng khá ok, còn dorm sẽ giá 150k trở lại.
Ngày 2: Mua vé xe, xin giấy phép leo núi và đi chơi ở Kathmandu.
Xin giấy phép leo núi: nói chung bạn sẽ cần 2 loại giấy phép để leo cung AC. Và đều được cấp ở 1 nơi, địa chỉ https://goo.gl/maps/NyN78CDcxsSTdtRd7 , tổng chi phí khoảng 1 triệu vnd. Văn phòng mở cửa từ thứ 2 đến CN, trừ thứ 7. Bạn cần 6 ảnh 3×4 nhé, thời gian làm cũng khá lâu, mất gần 2h mới xong.
Xong phần giấy phép thì tiếp theo là đi mua vé xe đi Besisahar, địa chỉ bến xe https://goo.gl/maps/si48zxnq3aj68mab7 . Cách trung tâm tầm 3km, ở đây có khá nhiều nhà xe giá vé tầm 400k.
Có một số địa điểm tham quan nổi tiếng mà bạn nên ghé qua ở Kathmandu như bảo tháp Boudhanath, đền Swayambhunath, quảng trường Durbar…và khu chợ cổ Asan Bazar. Mình rất thích xem cảnh buôn bán, sinh hoạt ở khu chợ này, sáng nào mình cũng ra đây đi dạo và chụp ảnh. Cảm giác như đang ở trong phim Aladin và Cây đèn thần.
Về ăn uống thì các món Nepal dễ ăn hơn Ấn nhưng vẫn chưa thể gọi là ngon được. Không nên bỏ qua món Lassi nhé, kiểu giống yaourt nhưng ngon hơn. Ngày nào mình cũng lếch bộ 2 cây số để ăn món này, có ngày ăn 2 lần :)) Có 3 quán nằm khá gần nhau nhưng quán này là ok nhất https://goo.gl/maps/U9zqCHNLjsvygnqJ9
Ngày 3: Kathamandu -Besisahar – Tal (1700m)
Thức dậy lúc 4h sáng để sửa soạn và đi taxi ra bến xe. Khoảng 5h30 là xe bắt đầu chạy, quãng đường dài khoảng 350km như sẽ mất hơn 8h di chuyển. Đường nhiều đoạn rất xấu nhưng vẫn không là gì khi so với lúc đi về.
Khoảng 14h30 là xe sẽ đến Besisahar, từ đây thuê xe Jeep đi thêm 35km đến Tal. Giá xe jeep khá “linh động”, ban đầu là khoảng 300k, nhưng sau đó 30p đã lên 400k.
Sau 2h di chuyển sẽ đi Tal, từ ngoài đường chính đi bộ 2km sẽ đến Tal. Mình chọn một homestay ở cuối của làng, nằm gần bên một cái thác nước rất đẹp.
Rất nhiều người chọn đi thẳng xe jeep lên đến Chame, như vậy sẽ tiết kiệm được 1 ngày. Những sẽ bị bỏ qua vài cảnh đẹp trên đường từ Tal đến Chame. Hơn nữa đi xe jeep rất là mệt, đến gần 10h tối mới đến được Chame.
Ngày 4: Tal(1700m)- Chame(2710m) 28km
Đây là ngày dài nhất của hành trình nên phải đi từ 7h sáng. Đường đi men là một bên vách núi một bên con sông nước chảy cuồn cuộn, tầm 3-5km sẽ có những teahouse, để đừng lại nghỉ ngơi hoặc tiếp nước. Lúc xuất phát chỉ cần mang theo tầm 1 lít nước là được, trên đường đi có khá nhiều điểm tiếp nước công cộng, mình có có mang theo bình lọc nhưng cũng ít khi dùng và chưa bị đau bụng lần nào.
Nếu đi vào mùa thu thì sẽ có rất nhiều vườn táo 2 bên đường, táo rất ngon nhưng chỉ giá chỉ khoảng 30k-40k/1kg. Bạn có thể ghé và một vườn nào đó tự đi hái táo rồi ra cân ký tính tiền.
Ngày 5: Chame (2710m)- Upper Pisang (3356m) 15km.
Đây là ngày khá nhẹ nhàng, chủ yếu sẽ đi qua những cánh rừng thông, những cây thông ở đây rất to, to hơn thông ở DL nhiều. Nếu thời tiết tốt sẽ thấy được đỉnh Annapurna 3 và 4 ở phía xa. Lúc mình đi thời trời mưa sấp mặt nên chẳng nhìn thấy gì cả.
Khi đi được 1/2 đường thì gặp một cái farm trông táo tên Agro Manang Pvt. Ltd- Farmhouse, mình dừng lại đây ăn trưa và sưởi ấm. Farm rất đẹp mà đồ ăn, nước uống giá rất hợp lý, nhớ gọi món bánh donut táo nhé, ngon tuyệt con cú mèo.
Vùng Pisang có 2 phần là Upper và Lower, Lower thì ở phía dưới. Nhiều người chọn ở upper vì phía trên sẽ có view đẹp hơn. Những sẽ tốn sức hơn, vì cao hơn phía Lower tầm 200m.
Ngày 6: Upper Pisang (3356m)- Manang(3540m) 16km.
Sẽ có 2 đường để đi đến Manang, 1 đường phía dưới và 1 đường trên cao, đường trên cao sẽ đẹp hơn nhưng đi sẽ vất vả hơn. Thời tiết đẹp thì mọi người nên đi đường trên mà xuất phát sớm, còn do trời mưa to liên tục nên mình đã đi đường dưới.
Mình mất thêm một ngày ở đây để chờ trời tạnh mưa, vì đi với thời tiết này thì cũng cực quá mà không chụp choẹt được gì. Nhưng đến ngày hôm sau thì trời vẫn mưa lớn . Lúc này đã nghe những tin tức đầu tiên về việc đèo đã bị đóng.
Ngày 7: ngày nghỉ ở Manang(3540m)
Đây là một ngày nghỉ để thích nghi độ cao, mọi người hay đi lên hồ Ice Lake (4600m) chơi vì hồ đẹp và cũng để làm quen với độ cao. Đường lên hồ qua một tu viện rất giống với những tu viện bên Ladakh nhưng không có người ở, chắc đang sửa chữa. Ngày mình đến là Manang đã ngập trong tuyết nên dù rất muốn nhưng mình vẫn không lên được với hồ thì tuyết ngập quá đầu gối và trời rất lạnh.
Manang là một thị trấn lớn nên cái gì cũng có bán, nếu thiếu hoặc làm mất đồ thì bạn có thể mua, giá cũng ko cao hơn Kathmandu là bao nhiêu.
Mình đã kẹt ở đây 5 ngày vì đèo đã bị đóng đi tiếp được, mà đi xuống cũng không xong vì lở núi đã vùi lấp đường mòn.
Ngày 8: Manang -Tilicho Base Camp(4150m) 15km
Ngày 8,9,10 theo dự kiến ban đầu là sẽ đi hồ Tilicho, nhưng đành bỏ qua. Cái hồ Ice Lake mà còn không lên được thì sao đi tới được Tilicho. Trong ngày thứ 4 bị kẹt thì mình vẫn cố lên Ice Lake một lần nữa, những chỉ đi xa hơn so với lần đầu được 1km là phải quay đầu.
Theo tìm hiểu thì đường lên hồ Tilicho rất đẹp nhưng khá nguy hiểm. Nhiều đoạn hay có đá lăn nên mọi người đi cách nhau xa nhau 10-15m, để khi có đá lăn thì dễ bề chạy tránh.
Ngày 9: Tilicho Base Camp- hồ Tilicho- Siri Kharka(4100)
Để đồ ở BC và đi lên dạo hồ, xong đó bạn quay trở lại lấy đồ và về Siri Kharka ngủ.
Ngày 10: Siri Kharka (4100)- Letdar(4200m) 10km
Ngày này cũng nằm trong lịch trình bị bỏ lỡ của mình, nên mình không có gì chia sẽ ngoài việc mình đã ở một teahouse khá ổn ở Letdar, khi vừa qua cái cầu sắt là bạn sẽ thấy.
Ngày 11: Letdar(4200m) – High Camp(4850)
Ngày này mình bắt đầu thấm mệt vì không khí loãng, thiếu oxy, cứ đi một đoạn lại dừng lại thở. Nhất là cái dốc gần đến High Camp, chỉ có 1km nhưng phải mất gần 1 tiếng leo qua con dốc này. Qua con dốc là tới High Camp, ở đây chỉ có 1 cái teahouse duy nhất, nhưng rất lớn, không lo thiếu phòng.
Ngày 12: High Camp (4850m) – Thorong La(5416m) – Muktinath(3800m) 15km.
Nhiều người xuất phát từ rất sớm, mình thì đi từ 5h15. Mình leo cũng không nhanh lắm, túc tắc đi nhưng 2h30 đã đến Muktinath rồi. Mọi người hoàn toàn có thể ăn sáng, uống cf, ngắm bình minh rồi mới xuất phát.
Đoạn lên đèo gió rất lớn, bạn phải nhớ mặc đủ ấm vì trời cực kỳ lạnh. Đoạn này mình cứ tưởng các ngón tay và ngón chân sẽ bị hoại tử vì chúng mất hết cảm giác
Đây chắc là ngày mệt nhất của hành trình, mệt đoạn leo lên thì không nói nhưng đoạn qua đèo xuống dốc thì càng mệt hơn. Rất nhiều bạn về tới Muktinath trong tình trạng kiệt sức. Anh đi cùng mình đã bị “đụng tường” ở 2km cuối cùng. Vừa đến Muktinak là vô ngay khách sạn đầu tiên của thị trấn, không còn sức đâu mà đi loanh quanh tìm chổ view đẹp, có sân vườn…như mấy khi nữa :))
Ngày 13: Muktinath (3800) – Lupra – Marpha (2670m) 26km.
Hơn một nửa những người leo AC sẽ dừng ở đây và đón xe về hoặc di chuyển tới Marpha bằng xe nếu đi tour. Nhưng mình quyết định sẽ đi bộ bằng con đường trail băng qua Lupra và đây là một quyết định vô cùng đúng đắn.
Đường trail rất đẹp và bữa ăn trưa ở Lupra thì tuyệt vời, đây mà bữa ăn ngon nhất của cả hành trình. Lupra là một ngồi làng nhỏ xinh, nằm bên cạnh một con sông lớn, vì rất ít khách du lịch đi qua đây nên cả làng chỉ có 3 cái teahouse, mình ăn ở Darka Lodge. Mọi người chú ý nghĩ trưa và khởi hành trước 13h vì về chiều thì gió sẽ càng lớn.
Đi khoảng 8km nữa là sẽ đến Jomsom, ở đây có sân bay về Pokhara, giá đâu đó tầm 100$. Trên Google map có 1 đường phụ đi về Marpha nhưng mình vẫn đi theo đường chính băng qua trung tâm Jomsom và đây là một quyết định sai lầm. Đường chính này cảnh không có gì nhưng lại rất bụi.
Marpha là một trong những ngôi làng đẹp nhất của cung AC, các ngôi nhà sơn toàn màu trắng. Làng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Ở đây đâu đâu cũng trồng táo, mình đi trúng mùa táo chín nên được ăn no nê.
Ngày 14: Marpha (2670m) – Kalopani/Lete (2535m) 25km.
Đi theo đường chính tầm 3km thì sẽ có 1 cái cầu sắt bên tay trái, băng qua cây cầu thì sẽ vào con đường trail tránh xa con đường bụi bặm.
Đây là ngày đi bộ cuối cùng của hành trình và cũng là một ngày tận hưởng thật sự. Đường đi chủ yếu là xuống dốc là khá nhàn, băng những khu rừng thông già, qua những vườn táo trĩu quả. Trời đã đỡ lạnh hơn, thời tiết mát mẻ dễ chịu. Quang cảnh vẫn làm mình bất ngờ dù gần 2 tuần qua đã ngắm biết bao nhiêu là cảnh đẹp. Đúng như người ta nói cung AC này cảnh sẽ thay đổi theo từng ngày.
Ngày 15: Kalopani/Lete (2535m)- Pokara.
Mình dừng hành trình ở đây vì không đủ ngày nếu đi tiếp qua Poonhill. Theo dự định ban đầu thì mình sẽ bắt xe đi từ Kalopani xuống Tatopani tắm nước nóng rồi mất thêm 3 ngày leo Poonhill nhưng do bị kẹt lại lâu trên núi mà không thể như lịch trình ban đầu được. Mình khuyên mọi người có thời gian thì leo Poonhil rồi từ hướng kia đi xe về. Đường từ Kalopani về Pokhara xấu khủng khiếp, không biết những năm trước vẫn như vậy hay do đợt mưa lớn vừa rồi gây ra sạt lở. Chỉ hơn 120km nhưng xe đi từ 9h sáng đến gần 21h mới đến Pokhara.
Ngày 16: đi xe đêm Pokhara về Kathmandu.
Pokhara là một thành phố khá dễ thương, kiểu giống như đà nẵng những năm 2000. có khá nhiều quán xá ở đây, bạn có thể mua sắm đồ ở đây thay vì Kathmandu cũng được. Từ Pokhara mình đã book xe đêm về Kathmandu.
Về xe bus về Kathmandu thì nên đi loại xe dành cho tourist, giá vé khoảng 500k-600k. Vẫn là xe ghế ngày chứ không phải giường nằm như ở VN.
Ngày 17: Kathmandu- Ấn Độ- Việt Nam.
=>>> Nguồn cậu Em đáng yêu dễ thương, leo núi siêu Khỏe: https://www.facebook.com/trunghieu.tran.543
=>>> Link bài viết: https://www.facebook.com/100001774585833/videos/471664575089602/