1. Thiền là phải ngồi yên
Thiền thực chất có ba hình thức là thiền tĩnh, thiền động và thiền công.
+ Thiền tĩnh là bạn ngồi yên. Trong thiền tĩnh có hai phương pháp chính là thiền quán và thiền định. Định là bạn để tâm trí neo vào một đối tượng cụ thể như là thiền hơi thở, thiền câu chú, thiền ánh sáng, thiền âm thanh,… Quán là thay vì tập trung vào một cái gì đó thì bạn tập trung vào những thay đổi liên tục trên thân tâm, nhìn sâu để thấy bản chất sự việc. Đó cũng chính là thiền nguyên thủy Vipassana (sự thấu hiểu).
+ Thiền động là bạn chú tâm vào hoạt động của mình. Thiền động cơ bản là bạn hoạt động cơ thể tại chỗ. Thiền động nâng cao là bạn di chuyển như thiền hành (thiền đi) hoặc các bộ môn thể dục. Ví dụ như môn thiền động mà mình thích nhất là yoga. Mình có viết một bài về yoga bạn có thể đọc lại. Với yoga, trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Các bộ môn khác có thể kể đến như võ thuật, nhảy…. Ngoài ra, đối với các hoạt động thường ngày nếu bạn sống trọn vẹn trong sự nhận biết, đấy chính là thiền. Bạn có thể thiền trong bất cứ hoạt động nào như nấu cơm, quét nhà, rửa bát, trồng cây, tắm…
+ Thiền công là bạn hòa mình vào dòng chảy của nghệ thuật. Đây là bộ môn mình hay áp dụng nhất. Có thể kể đến như hội họa, ca hát, viết nhạc, cắm hoa, chơi các nhạc cụ, làm phim… Bạn có thể thấy những người nghệ sỹ hoặc hoạt động các môn nghệ thuật mà họ thích, họ có một tâm trạng rất phiêu, đó là khi họ để mình hòa tan vào cái đẹp, vào điều mà họ yêu, họ để trái tim mình được cất tiếng nói trong sự hợp nhất vô hạn không diễn tả được bằng ngôn từ. Họ trọn vẹn một cách tự nhiên mà không đến từ tiếng nói của tâm trí. Trong tĩnh lặng, những tác phẩm có cơ hội để tuôn trào
2. Thiền tĩnh (ngồi yên) là phải ngồi bán già/kiết già/khoanh chân
Trong thiền tĩnh, điều quan trọng nhất là bạn phải thẳng lưng, để cột sống và đầu thành một đường thẳng. Bạn có thể ngồi khoanh chân, bán già, kiết già, ngồi trên ghế tùy ý thích.
3. Thiền là phải chăm chỉ làm hàng ngày
Nếu bạn không thật sự muốn thiền một phương pháp cụ thể, không thể ngồi yên, việc bạn ép mình ngồi thiền là sự ép buộc đến từ tâm trí. Một khi nó khiến bạn không thoải mái vui vẻ, thực hành bao nhiêu cũng là vô ích. Thay vào đó, bạn nên chọn cho mình một bộ môn trong thiền động/thiền công.
4. Nhất thiết phải là ngồi thiền
Thực chất của việc ngồi thiền chỉ là vì nếu tâm trí bạn đang chạy quá lăng xăng hoặc bạn là người không thể ngồi yên, hoặc bạn lúc nào cũng rối hết cả lên.Thì việc thực hành chăm chỉ hàng ngày, bắt đầu từ 5-10’ nghĩa là nó giúp bạn có cơ hội để tĩnh lặng. Bởi vì khi ý thức bạn chạy quanh, bạn sống quá lý trí và nhiều nỗi sợ hãi, bạn mất kết nối với bản thân, bạn không tìm được những câu trả lời. Thì việc tĩnh lặng lại bắt đầu từ ngồi thiền mục đích là giúp bạn có một khoảng lặng, nơi bạn tắt bớt những lao xao trong tâm trí. Lúc đó, trí tuệ trong bạn mới có cơ hội được nảy sinh
5. Thiền là để có khả năng tâm linh
Khă năng tâm linh sẽ tự có, không phải do thiền. Nếu bạn cố thiền để có khả năng tâm linh hay thần thông như mở con mắt thứ 3, giao tiếp với linh hồn… là điều gây rắc rối nhiều hơn là có lợi. Khả năng sẽ đến một cách tự nhiên với những người có duyên nghiệp, và họ sẽ có nhiều trách nhiệm và ràng buộc hơn. Khả năng tâm linh không có gì đặc biệt cả. Con người đã được tạo hóa sắp xếp để hầu hết là không có khả năng tâm linh, bởi sống cuộc sống bình thường cũng đã đủ rắc rối rồi. Khi tâm bạn bình an, bạn sẽ không vướng mắc vào việc phải có khả năng tâm linh.
6. Thiền là để kết nối với siêu thức/thực thể tâm linh/các chiều kích
Siêu thức (mình gọi chung cho tất cả thực thể ánh sáng có kết nối với bạn đi). Siêu thức luôn luôn kết nối với bạn. Đó là tiếng nói đến từ trực giác/trái tim mách bảo của bạn, là tiếng nói sâu thẳm bên trong linh hồn và của siêu thức. Bạn không cần phải đi tìm, không cần phải kết nối rõ ràng có hội thoại abc để mong sự giúp đỡ. Bài học của bạn(cũng chỉ là trải nghiệm mà thôi) là chính bạn tự học chứ Thượng Đế cũng không học hộ bạn được. Việc kết nối với bất cứ một điều gì khác cũng đều mang tính tự nhiên và đúng thời điểm nếu hành trình của bạn có, không phải do bạn cố thiền/cố tìm cách để kết nối. Và hãy cẩn thận, bởi khi bạn mong cầu, tâm bạn chưa an, bạn giao tiếp với những thực thể có ý đồ không tốt – để làm bạn rơi vào ma trận rắc rối hơn, dùng năng lượng của bạn,… lợi dụng chính bạn mà bạn còn không biết
7. Thiền là để giải quyết các vướng mắc trong cuộc sống
Nhiều người tìm đến thiền với mong cầu thiền giúp họ tháo gỡ các vướng mắc, khổ đau của đời sống. Họ nghĩ họ chỉ cần ngồi yên là mọi chuyện sẽ hết. Nhưng khi tâm bạn xáo trộn, bạn rất khó để ngồi yên. Càng cố ép mình không nghĩ ngợi càng nghĩ. Thực hành ngồi thiền một thời gian, mà các vấn đề trong cuộc sống vẫn chẳng thể giải quyết. Cái bạn cần là đối diện với vấn đề, thay đổi nhận thức đúng đắn về vấn đề, tiếp tục trải nghiệm và học hỏi, đúc kết và chiêm nghiệm. Chứ không phải trốn tránh thực tại bằng cách ngồi thiền. Nó sẽ chỉ khiến bạn càng lúc càng rời xa vấn đề mà thôi.
8. Thiền là để trị bệnh
Thiền giúp bạn giải tỏa căng thằng, đỡ stress, nhưng không hoàn toàn trị được bệnh. Bệnh là do lối sống, ăn uống, sinh hoạt, tinh thần xuống dốc, tuổi tác…mà thành. Có rất nhiều vị thiền sư vẫn gặp bệnh dù cả đời họ dành phần lớn thời gian để thiền
9. Thiền là để giác ngộ
Nếu quả trong bạn đã chín, khi thiền bạn sẽ thấy nó rõ ràng. Khi tâm bạn tĩnh lặng, nó cũng sẽ rõ ràng, không cần ngồi thiền. Quả đang xanh, ép chín là điều không thể. Giác ngộ đến ngay trong đời sống của bạn. Giác ngộ chỉ xảy ra khi bạn có trải nghiệm, hoặc trải nghiệm của ai khác liên kết mật thiết với chính bạn. Nó cần rất nhiều hành trình, rất nhiều kiếp sống. Không có ai giác ngộ hoàn toàn. Cũng không có giác ngộ hoàn toàn. Không có ai là không ngộ từ trải nghiệm của họ
10. Thiền là thu nhận năng lượng tốt từ Vũ trụ
Năng lượng trong Vũ trụ là vô hạn, và cũng rất nhiều tầng. Năng lượng trong bạn đang như thế nào nó sẽ thu hút năng lượng tương ứng. Không phải cứ thiền là thu được năng lượng tốt. Các năng lượng khác nhau đều đến đồng thời. Nếu tâm bạn mong cầu, tâm bạn chưa vững…bạn không thiền với tâm trong sáng, bạn dễ mất cân bằng năng lượng bên trong . Nếu bạn thiền theo kiểu thu năng lượng, bạn cần biết bạn đang kết nối với năng lượng gì
11. Thiền là để mở luân xa
Luân xa (trung tâm năng lượng) có 7 luân xa chính, ngoài ra có các luân xa phụ và các luân xa bên ngoài cơ thể. Mục đích là cân bằng năng lượng ở mỗi khu vực trên cơ thể bạn. Nó được đóng mở nhịp nhàng dựa trên tự nhiên chứ không có sự can thiệp từ bên ngoài. Bạn chỉ có thể làm nó mạnh khỏe hơn bằng cách hướng đến đời sống bình an. Việc bạn can thiệp và mở luân xa là việc trái tự nhiên và đưa đến những hậu quả không mong muốn
12. Thiền là để hơn người
Thiền không khiến cho bạn trở nên giác ngộ hơn, giỏi hơn hay có đời sống hiểu biết hơn người khác, tương tự với có khả năng tâm linh cũng vậy. Mỗi người đều có những phẩm chất đời sống riêng biệt, đều có những hành trình khác nhau và trải nghiệm đa sắc màu. Không phải ai cũng ngồi thiền mới có thể mang đến bình an cho chính mình và người khác
13. Chỉ ai theo đạo Phật mới thiền
Thiền dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Khác nhau ở mục đích khi thiền
14. Thiền là bị tẩu hỏa nhập ma
Năng lượng mất cân bằng do tâm nhiều vọng tưởng, tâm yếu thân yếu, mất cân bằng nghiêm trọng và bị các năng lượng xấu xâm nhập mới tẩu hỏa nhập ma. Người bình thường ngồi thiền, tâm đơn giản trong sáng hoặc được hướng dẫn bài bản không ai tẩu hỏa nhập ma cả
15. Ngồi thiền là phải ngồi thật lâu
Ngồi 5’ mà tâm bình an vẫn hơn là ngồi 60’ mà tâm không bình an. Tâm trí chạy lăng xăng và ép mình ngồi cho đủ thời gian là không hiệu quả. Bạn có thể ngồi bao lâu là tùy thích. Nhưng nó không nằm ở số lượng
Trên đây là một số hiểu lầm cơ bản về thiền mà có thể mình gom chưa hết, dựa trên chiêm nghiệm của bản thân. Có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Nếu bạn ngồi thiền mà thấy vui vẻ dễ chịu hơn thì cứ ngồi, nếu bạn thấy có điều gì khiến bạn bất an hoặc không thoải mái hãy xem lại, lắng nghe trực giác của bạn. Nếu bạn cảm thấy mình phù hợp với phương pháp thiền nào(có thể tham khảo phương pháp mình viết ở trên) thì cứ mạnh dạn thực hành, không cần ép mình ngồi thiền hoặc làm theo người khác mà không thấy thoải mái. Mọi người ngồi thiền lúc họ thấy tâm bất an, bản thân mình thấy tâm bình an thì thích thiền thi thoảng. Hiện tại mình không ngồi thiền. Trên hết, sống trong sự trọn vẹn nhận biết, là bạn đang sống thiền.
Thiền chỉ là thiền thôi, thiền là đời sống
Bình an và yêu thương là bạn
Nguồn: https://www.facebook.com/photo/?fbid=170935885305298&set=a.115047080894179