PHÁT CA CHOW YUN FAT- FROM ZERO TO ZERO

“Năm 1955, Châu Nhuận Phát (CNP) sinh ra trên đảo nguyên gốc người Hong Kong, biệt danh là “Chó Con”. Cha làm nghề đi biển, mẹ là người giúp việc. CNP luôn mặc những bộ quần áo rẻ tiền và đi một đôi dép cũ. Mong ước lớn nhất của anh lúc đó là có một đôi giày thể thao màu trắng cho riêng mình.

Tuy nhiên, cha của CNP đã đi biển nhiều năm và nghiện cờ bạc, không những không mua được giày thể thao cho con mà ông còn mắc nợ rất nhiều, chính vì vậy, CNP đã rất ghét cờ bạc từ khi còn nhỏ, điều này cũng mở đường cho mối bất bình trong tương lai của anh với Ngô Mẫn Đạt.

Gia cảnh nghèo khó nhưng cuộc sống lúc nhỏ của CNP cũng khá vui vẻ, êm ấm. Nhưng nó không tồn tại lâu. Cha của anh đột nhiên ngã bệnh và qua đời. Đó cũng là dấu chấm hết cho tuổi thơ của CNP. Khi chưa hoàn thành cấp 3 thì anh bỏ học, sớm phải đi làm thuê để kiếm sống. Anh làm nhiều nghề khác nhau, từ đánh giày, gác cửa khách sạn, rửa xe, đưa thư, khuân vác và bán thiết bị chụp ảnh.

Có lần khi làm nhân viên hướng dẫn ở khách sạn, CNP nhận được một đô la tiền boa và không nộp lại. Bất ngờ, quản đốc nhìn thấy và lập tức đuổi việc anh. Sau đó, CNP đi làm thợ rửa xe. Một ngày nọ có một chiếc Rolls Royce chạy đến, CNP nhìn chiếc xe có kiểu dáng sao mà đẹp và thời thượng quá. Thế là anh thanh niên nghèo tò mò sờ vào nó nhưng người chủ đã tát vào mặt anh và chửi: “Mày sờ cái gì vậy? Mày có khả năng sờ vào nó sao.?. Người như mày thì cả đời không có khả năng mua được xe.!.” Lúc đó CNP, người cao hơn 1,8m, đã phải chịu một đòn giáng nặng nề vào lòng tự trọng của mình.

Sau khi nghỉ làm tại tiệm rửa xe, CNP theo sự giới thiệu của một người bạn đến làm nhân viên của một cửa hàng thiết bị máy ảnh. Thời gian này cũng khơi gợi niềm đam mê nhiếp ảnh của anh trong tương lai.

Bước ngoặc cuộc đời xảy ra vào năm 1973, khi đó CNP 18 tuổi. Đột nhiên một người bạn đưa tờ báo cho anh và nói: “Lớp đào tạo nghệ sĩ tuyển sinh không cần đóng học phí và có thể kiếm tiền. Hãy thử xem.” CNP đọc báo thấy cũng hay hay nhưng cần phí hồ sơ 5 đồng thì nhíu mày, người bạn này nhìn vào hiểu ra là CNP không có tiền nên nói: “Không sao đâu, phí nộp hồ sơ, tôi sẽ trả nó cho bạn.!.”

Khi đến lượt, CNP rất lo lắng, trên sân khấu, anh thậm chí còn chưa hoàn thành bài thi thì một giám khảo đã hét lên: “Đi xuống.!.” Cuối cùng, chỉ có một vị giám khảo cấp cao nói: “Đừng có nhảm, người này rất có tiềm năng.!.” Vậy là CNP may mắn nhận vé vớt, tham gia lớp đào tạo nghệ sĩ TVB khóa 03.

Anh trở thành bạn cùng lớp với Nhậm Đạt Hoa 18 tuổi, Lâm Đĩnh Đông và Ngô Mẫn Đạt 20 tuổi. Ngô Mẫn Đạt tính tình hòa đồng luôn có thể khiến cho CNP, người ít cười thích thú. Theo thời gian, cả hai trở thành đôi bạn rất thân.

Bởi vì không có năng khiếu, nền tảng cũng không, hơn nữa thành tích trong lớp huấn luyện cũng không tốt, CNP chỉ có thể chăm chỉ và chăm chỉ hơn để bù đắp. Thời điểm đó anh thường khoác lên mình bộ com-lê và thắt cà vạt, đứng ở cửa vào thang máy đông đúc để thử vận ​​may.

Không biết bao nhiêu ngày sau, có một nữ nhà văn cũng là chủ của một công ty quảng cáo nổi tiếng tên là Lâm Nhã Ninh đang tuyển chọn diễn viên cho phim quảng cáo và cần tìm một “Hoàng tử quyến rũ”. Lâm Nhã Ninh nghĩ ngay đến một anh chàng cao lớn thường đứng ở cửa thang máy và nói “xin chào” với nụ cười trên môi, cô đi hỏi thăm thì hóa ra đó là CNP từ lớp đào tạo nghệ sĩ. CNP đã được Lâm Nhã Ninh mời tham gia phim quảng cáo của cô.

Do bàn chân của CNP quá to khiến anh không thể đi giày bình thường ở phim trường nên Lâm Nhã Ninh đã đưa cho anh 100 đồng để mua giày mới. Đợi nửa ngày không thấy CNP đâu, hóa ra anh đã nhờ một người gửi 30 đồng tiền thừa và nhắn: Tôi đã chi 70 đồng cho đôi giày, tôi sợ mình tiêu quá nhiều nên không dám gặp cô Lâm Nhã Ninh.!.

Lâm Nhã Ninh chỉ biết thở dài, cảm thấy so với các diễn viên trẻ cùng trang lứa đang đua đòi các thứ phục trang lông thú hàng vạn đồng, CNP này sao mà đơn giản quá. Cho nên cô có ấn tượng rất tốt về anh.

Năm 1974, CNP (19 tuổi) tốt nghiệp khóa đào tạo. Anh ký hợp đồng 3 năm với đài TVB. Mức lương cũng rất bèo bọt, 500 trong năm đầu, 700 năm hai, 900 năm 3. Nhiều diễn viên trẻ không chịu nổi đã từ bỏ khi thấy “tiền thì ít, mà bị mắng chửi thì nhiều”, nhưng CNP sớm ra đời bươn trải nên có một ưu điểm là không bao giờ bỏ cuộc.

Khi đó, Ngô Mẫn Đạt thuê một căn nhà gần trường quay TVB, thỉnh thoảng anh ta rủ CNP đến chỗ của mình để nghỉ ngơi sau khi quay phim về muộn hoặc quá mệt. Họ thường bưng một bát thịt nướng với giá 5 đồng, ngồi xổm bên vệ đường, vừa ăn vừa nói chuyện phiếm.

Năm 1976, CNP (21 tuổi) đã tham gia một số bộ phim truyền hình. Trong quá trình quay phim, anh đã gặp nữ diễn viên Vu An An (17tuổi). Hai người kết hôn sau đó bảy năm, nhưng thời điểm đó không có bất kỳ tiếng sét ái tình nào. Bởi vì người yêu thích của CNP lúc này là diễn viên đóng chung phim truyền hình «Cuồng Triều» cùng anh tên là Mâu Khiên Nhân (Cora Miao). Cô xuất thân từ gia đình gia giáo, biết chơi piano, cờ vua, thư pháp, lại xinh đẹp, vừa du học Thụy Sĩ về, đoạt giải “Hoa hậu ăn ảnh” trong cuộc thi “Miss Hong Kong” nên nhanh chóng được TVB đưa vào danh sách ưu tiên. Bộ phim truyền hình do hai người thủ vai chính kéo dài hơn 100 tập và quay cả năm trời, dàn trai xinh gái đẹp làm việc cùng nhau lâu như vậy tự nhiên là có tình cảm.

Vì sự chênh lệch về trình độ học vấn, tình yêu giữa hai người đã được dự đoán là không có tương lai ngay từ lúc mới chớm nở. Thông thường, khi ở bên nhau, Mâu Khiên Nhân thường nói về văn học và nghệ thuật, nhưng CNP chưa học hết trung học. Anh có xuất thân nghèo khó, trong mắt anh ấy, thà kiếm nhiều tiền để cải thiện cuộc sống của gia đình còn hơn là ngâm thơ và vẽ tranh…

Năm 1977, một đại gia giàu có vừa ly hôn đã công khai đeo đuổi Mâu Khiên Nhân mà không hề quan tâm đến bạn trai của cô là CNP. Ông ta ra tay rấy quyết liệt, tặng hoa, trang sức, thậm chí là cả một chiếc du thuyền 200.000 đồng,… Người này có cả danh vọng, địa vị, tài chính, CNP làm sao có thể cạnh tranh được.?. Vậy là chia tay.

Cùng năm, Trần Ngọc Liên (17 tuổi), được nhận vào lớp đào tạo nghệ sĩ khóa 6. Cô trở thành bạn học với Lữ Lương Vỹ và trở đàn em khóa dưới của CNP.

Năm 1978, trong lúc quay phim truyền hình «Đại Hanh», CNP gặp Trần Ngọc Liên. Hai người có mối quan hệ tốt nhưng không có ai bày tỏ ra.
Sau đó, một đại gia khác cũng thích Trần Ngọc Liên, ông ta thường đến phim trường tìm cô và mang theo rất nhiều quà. CNP nhớ về quá khứ và ngay lập tức mua một bó hoa hồng rồi đứng trước Trần Ngọc Liên mà tỏ tình, và anh đã thành công.

Năm 1979, CNP vẫn miệt mài đóng phim, vừa để kiếm tiền vừa để học tập thêm kinh nghiệm diễn xuất.
Trong khi đó, Ngô Mẫn Đạt tham gia bộ phim «Sở Lưu Hương» cùng với Trịnh Thiếu Thu và Triệu Nhã Chi. Khi kết thúc bộ phim, Trịnh Thiếu Thu bị thương trong một cảnh quay. Ngô Mẫn Đạt đã trở nên nổi tiếng và ngày càng nhiều người mời anh diễn xuất. Sau bao nhiêu năm không ai ngó tới, đột nhiên nổi tiếng, Ngô Mẫn Đạt có chút đắc chí, bị các loại “tiểu huynh, tiểu đệ” háo hức theo đuổi, tâng bốc và sớm lao vào các cuộc chơi, mê say cờ bạc.

CNP mừng cho thành công của bạn học nhưng cũng lo cho Ngô Mẫn Đạt bị lóa mắt trước chiến thắng, đã mấy lần khuyên Ngô Mẫn Đạt phải khiêm tốn, kiềm chế bản thân, không cờ bạc, nhưng anh ta không hề để ý.

Năm 1980, TVB quay phim «Máu Nhuộm Bến Thượng Hải», dự định để Trịnh Thiếu Thu đóng vai Hứa Văn Cường và Triệu Nhã Chi vào vai Phùng Trình Trình. Nhưng Trịnh Thiếu Thu vừa bị thương, sức khỏe chưa hồi phục nên không nhận và mạnh dạn tiến cử CNP (người cùng làm việc trong phim «Đại Hanh»). Tình cờ là Triệu Nhã Chi cũng xuất hiện trong «Đại Hanh», và cô ấy cũng quen với CNP, nên có sự hiểu ý trong diễn xuất. Vậy là bộ ba đóng vai chính trong « Máu Nhuộm Bến Thượng Hải» là CNP, Triệu Nhã Chi và Lữ Lương Vỹ. Bộ phim đã trở nên nổi tiếng chỉ sau tập đầu được phát sóng.

CNP, năm đó 25 tuổi, không bao giờ dám nghĩ rằng anh thực sự thành công sau một vai diễn được nhường lại. Cái tên Châu Nhuận Phát thực sự trở nên nổi như cồn và nhanh chóng ngồi chễm chệ ở vị trí ngôi sao số 1 của đài TVB, còn được giới truyền thông ca ngợi là “ông hoàng phim truyền hình”.

Sau khi CNP vụt sáng, thì Ngô Mẫn Đạt, người nổi tiếng sớm hơn, ngày nào cũng dành thời gian và rượu chè cờ bạc, không tha thiết với diễn xuất, anh đánh cược cả gia sản và tự hủy hoại hình ảnh của mình, do đó bị TVB sa thải. Ngô Mẫn Đạt nợ cờ bạc khoảng 300.000 đồng nhưng không có việc làm, đã đến vay tiền CNP, không ngờ CNP không cho vay, chỉ nói mấy chữ:
“Anh hãy tự mình giải quyết.!.”
Ngô Mẫn Đạt cảm thấy đó là một sự sỉ nhục sâu sắc, và than thở rằng thế giới thật lạnh lẽo. Anh ta thề mình sẽ không bao giờ làm bạn với CNP nữa. Khi trở về nhà, anh ta nhiều lần định tự tử nhưng đều sợ vào phút cuối. Sau đó, anh tự nhủ: “Vì không thể chết được, vậy thì hãy sống cuộc đời của mình đi để những người đó nhìn thấy.!.” Vì thế, Ngô Mẫn Đạt (năm đó 27 tuổi) bắt đầu tu dưỡng tính cách, bình tĩnh nghiên cứu sách của các bậc thầy về diễn xuất, tích cực rèn luyện kỹ năng diễn xuất của mình.

Sau khi trở nên nổi tiếng, CNP liên tiếp góp mặt trong nhiều phim truyền hình và một số phim điện ảnh. Trong số đó, phải kể đến bộ phim «Câu chuyện của Hồ Việt» năm 1981 anh hợp tác với đạo diễn Hứa An Hoa đã gây tiếng vang lớn và đoạt giải “Kịch bản hay nhất” của “Giải thưởng điện ảnh Hong Kong” lần thứ nhất.

Lý do khiến CNP bước chân vào lĩnh vực điện ảnh một cách mạnh mẽ là vì phim truyền hình thời đó không được trả thù lao cao, anh muốn kiếm nhiều tiền hơn và muốn mẹ anh có cuộc sống tốt hơn nên anh chỉ có thể đóng càng nhiều phim càng tốt.

Năm 1982, CNP có 2 bộ phim truyền hình là “Tô Khất Nhi” đóng chung với Lưu Đứa Hoa và “Lữ khách Cô Đơn”. Tuy nhiên, các bộ phim không thành công như mong đợi. Mặt khác, những phim điện ảnh là “Tuần Thành Mã” và “Hiệp Đầu” mà CNP đặt nhiều hy vọng cũng như tất cả các bộ phim điện ảnh trước đều có doanh thu phòng vé không tốt, và không ít hãng phim thua lỗ. Nên cái mác “Thuốc độc phòng vé” được áp lên CNP từ đó.

Cùng thời điểm, mối quan hệ của anh với bạn gái là Trần Ngọc Liên cũng gặp trục trặc, đang trên bờ tan vỡ. Trớ trêu hơn nữa, chính CNP đã không tham gia diễn xuất mà giới thiệu Lưu Đức Hoa đóng chính cho bộ phim Boat People nói về Thuyền Nhân Việt Nam. Bộ phim này đã thành công vang dội giúp Lưu Đức Hoa được đề cử giải “Nam diễn viên mới xuất sắc nhất” năm 1982.
Link xem phim Boat People 1982 engsub
https://www.youtube.com/watch?v=LD54rG-SnDM


Bị đòn kép, vào cuối năm 1982, CNP, khi đó mới 27 tuổi, đã tự tử bằng cách uống “chất độc tự chế” (trộn bột giặt và chất khử trùng). Anh được Trần Ngọc Liên phát hiện và kịp thời đưa đến bệnh viện nên may mắn được cứu sống. Trong suốt quá trình năm viện, Trần Ngọc Liên chính là người luôn ân cần chăm sóc cho CNP. Nhưng sau khi CNP xuất viện, hai người chia tay vào đầu năm 1983.

Hơn một tháng sau, tin tức “Châu Nhuận Phát tự tử” vẫn còn nóng hổi thì một tin tức khác về CNP lại xuất hiện cũng nóng không kém, thực ra tin này là: “Châu Nhuận Phát kết hôn”.!.

Cô dâu là ai?

Vu An An gặp CNP năm cô 17 tuổi, bây giờ cô ấy đã 24 tuổi và đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, từng được mệnh danh là “công chúa mãi mãi trong lòng khán giả Hong Kong”, lúc này cũng vừa chia tay với bạn trai. Cô bất ngờ xuất hiện trên phim trường và suýt chút nữa bỏ chạy vì sợ hãi khi CNP quỳ xuống cầu hôn. Nhưng do có ấn tượng tốt với CNP khi làm việc chung trước đó nên cô đã đồng ý. Sau đó, cả hai bỏ qua quá trình yêu đương và tiến thẳng đến cuộc hôn nhân chớp nhoáng.

Sự việc về cuộc hôn nhân của họ đã được truyền thông Hong Kong thổi phồng lên, và một số phương tiện truyền thông thậm chí còn chế nhạo, nói rằng họ “Đều là thích khách thất tình, lập thành liên minh tùy hứng.!.” Tuy lời lẽ có hơi gay gắt nhưng phải nói là nhận định của giới truyền thông lúc đó khá chính xác.

Chín tháng sau, vào đầu năm 1984, CNP và Vu An An làm thủ tục ly hôn. Từ đó, CNP tự nhủ sẽ không kết hôn lần nữa.

Tự tử, thay đổi tình yêu, hôn nhân chớp nhoáng, ly hôn,… Sau khi ly hôn thì có hàng loạt tin đồn phim giả tình thật của CNP với Chung Sở Hồng, rồi Trịnh Du Linh và ngay cả với tình cũ Mâu Khiên Nhân. Có thể nói CNP là ngôi sao luôn có một sự kiện lớn hàng năm, đã trở thành con cưng của giới truyền thông, và báo chí. Có không ít những thông tin tiêu cực của anh được đăng tải. Trong thời gian đó, anh hoàn toàn không dám đọc báo, ngày nào cũng giam mình trong phòng, cảm thấy chán nản vô cùng.

Trong năm 1984, CNP đóng vai chính trong phim truyền hình «Tiếu Ngạo Giang Hồ» và 3 bộ phim điện ảnh là “Khuynh Thành Chi Luyến”, “Linh Khí Bức Nhân” và “Chờ Đợi Bình Minh”. Và nhờ đóng chính bộ phim «Chờ Bình Minh» mà anh đã giành được danh hiệu kép là Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại giải Kim Mã và tại Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương.

Đến giữa năm 1984, CNP đang đợi máy bay để trở về Hong Kong sau khi đến Singapore làm việc. Một người bạn đã nói đùa với CNP rằng mình biết một người phụ nữ tốt rất phù hợp với anh. CNP cũng bán tính bán nghi, sau đó người bạn kia liền mời Trần Hội Liên đến sân bay qua điện thoại. Một lúc sau có một cô gái với mái tóc ngắn bồng bềnh, mặc áo phông, quần đùi và một đôi dép lê xuất hiện. Tuy không có vẻ đẹp quốc hoa nhưng lại có loại khí chất rất đặc biệt và dịu dàng. Cả hai bên tự giới thiệu mình, CNP mới biết Trần Hội Liên (năm nay 25 tuổi), tốt nghiệp trường Quản trị Kinh doanh, khi biết cha cô là một doanh nhân giàu có người Singapore, anh không khỏi ngưỡng mộ cô gái nhà giàu ăn mặc giản dị trước mặt anh ấy..
Sau khi tiếp xúc và trao đổi qua điện thoại như những người bạn,, CNP càng cảm thấy Trần Hội Liên dễ thương và đã bắt đầu quá trình tán tỉnh bằng cách viết bưu thiếp gửi cho cô, mỗi ngày một tấm, trong suốt hai năm. Có lần phóng viên hỏi “Có thật là ngày nào cũng gửi 1 tấm bưu thiếp không.?.” Trần Hội Liên trả lời: “CNP sẽ làm điều đó khi anh ấy thật sự thích bạn.!.”
Sau khi cưa cẫm thành công, CNP không ngại kể hết những gì đã xảy ra. Anh dẫn người yêu mới đến phim trường xem mình diễn cảnh giường chiếu trong phim «Mộng Trung Nhân» 1986. Lúc đó Trần Hội Liên chỉ mỉm cười trả lời thắc mắc của mọi người: “Đó chỉ là diễn xuất, không phải thật”. CNP cũng nói rõ: “Anh sẽ không kết hôn với em.!.” Trần Hội Liên đã không nói gì vào thời điểm đó, nhưng âm thầm trở thành quản lý của CNP, kiểm tra và giải quyết nhiều việc cho anh.

Giai đoạn 1984 – 1985, CNP dù đã có những thành công nhất định ở lĩnh vực điện ảnh nhưng vẫn thiếu một kiệt tác được ca tụng và ăn khách, vẫn có nhiều người gọi anh là “thuốc độc phòng vé”, cũng có không ít đạo diễn e ngại mời CNP đóng phim của mình.

Năm 1986, có một vị đạo diễn đang muốn tạo ra thứ gì đó khác biệt. Ngô Vũ Sâm luôn muốn làm một phim “thẩm mỹ bạo lực” nhưng anh ta đang đau đầu vì phải xoay sở trong một khoảng chi phí ít ỏi. Với kịch bản phim «Bản Sắc Anh Hùng», Ngô Vũ Sâm tìm được Địch Long (người vừa bị công ty chủ quản sa thải) với mức thù lao khá thấp. Tiếp đó là Trương Quốc Vinh được mời vì anh ấy có người sẵn sàng tài trợ. Nhưng vẫn còn thiếu một nhân vật trong cốt truyện. Ngô Vũ Sâm lúc bấy giờ cũng không dám mạo hiểm tìm CNP vì cái mác “thuốc độc phòng vé”, và lên kế hoạch tìm người khác.

Vào thời điểm quan trọng, CNP chủ động đi tìm Ngô Vũ Sâm tự tiến cử mình và thuyết phục: “Đạo diễn, anh có thể cho tôi một cơ hội được không.?. Dù sao tôi không cần tiền, cũng không muốn tranh vị trí, nam số một Địch Long, nam số hai Trương Quốc Vinh, thì để CNP đóng vai nam thứ ba. Nếu diễn xuất tốt là điều bất ngờ, diễn dở cũng không thành vấn đề.!.”; “Anh cũng không cần phải đếm số ngày làm của tôi. Chỉ cần anh cho tôi tham gia vào dự án.!.”
Thái độ quyết tâm và những lời nói của CNP khiến Ngô Vũ Sâm vô cùng cảm động và nhận lời.

Khi quay phim, CNP (31 tuổi) đề nghị đạo diễn cho mình đưa một phần cuộc sống thực của anh vào nhân vật. Ngô Vũ Sâm cũng không từ chối và các chi tiết như Tiểu Mã ngậm que diêm hay cảnh ăn cơm hộp lúc anh gặp lại anh Hào là do CNP tự tay thiết kế…

Sau khi ra mắt, bộ phim đã ngay lập tức ăn khách và trực tiếp phá nhiều kỷ lục, giành quán quân phòng vé Hong Kong. CNP và Địch Long lần lượt giành được danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở các giải Kim Tượng và Kim Mã.

Bằng diễn xuất tài tình, CNP biến Tiểu Mã Ca, người thực sự là nam thứ ba, thành nhân vật nổi bật xuất sắc và được yêu thích nhất trong «Bản Sắc Anh Hùng». Những câu thoại kinh điển của nhân vật này giống như chính CNP đang dõng dạc nói với cả thế giới:

“Tôi đã không may mắn trong ba năm. Tôi chỉ muốn chờ đợi một cơ hội. Tôi muốn chiến đấu vì hơi thở của mình. Tôi không muốn chứng tỏ mình vĩ đại hơn người khác. Tôi chỉ muốn nói rằng: Những thứ mà tôi đã đánh mất, tôi sẽ tự mình lấy lại.!.”

Năm 1987, CNP, người được xem là “thuốc độc phòng vé” trở thành “bảo chứng doanh thu phòng vé”. Liên tiếp có nhiều dự án phim xếp hàng đợi một chữ ký của anh. Các bảng xếp hạng đã biến năm 1987 thành “Năm của Châu Nhuận Phát”. Trong số đó phải kể đến, «Ngục Tù Phong Vân» và «Long Hổ Phong Vân» (do Hướng Hoa Cường sản xuất) đều do Lâm Đỉnh Đông -một bạn học cùng khóa của CNP – làm đạo diễn. Nếu nhân vật Tiểu Mã của CNP đã bị khai tử trong phần 01 của bộ phim «Anh Hùng Bản Sắc» năm trước thì năm sau đó, các nhà biên kịch và đạo diễn không có lý gì lại không chiều khán giả mà hồi sinh cho anh ta vào vị trí người em song sinh.
Ngoài ra, một bộ phim khác là “Đồng Thoại Mùa Thu” cũng tạo nhiều tiếng vang, tuy ra mắt trễ nhưng thực tế phim này được khởi quay vào năm 1986. Khi đó, CNP vẫn là “thuốc độc phòng vé”, nhưng nữ đạo diễn Mabel Chueng khẳng định không ai có thể vào vai anh “Tượng Đầu Thuyền” ngoài CNP. Điều bất ngờ là trong quá trình quay, bộ phim «Bản Sắc Anh Hùng» do CNP đóng chính đã được phát hành và thành công vang dội. Mabel Chueng rất lo lắng, nghĩ rằng người này đột nhiên nổi tiếng như vậy, còn muốn quay phim của tôi sao.?. Anh ta sẽ yêu cầu tăng thù lao hay có yêu sách gì đây.?. Trước khi đến New York quay phim, Mabel Chueng đã cẩn thận gọi điện cho CNP để tìm hiểu xem anh đang nghĩ gì thì CNP thẳng thắn đáp: “Tôi đã hứa trước đó và nhất định sẽ thực hiện.!.”

Khi đến New York, Mabel Chueng liền nhận thấy có điều gì đó không ổn. Mỗi ngày đều có những cuộc gọi và tin nhắn nặc danh. Trên phim trường cũng thường xuyên có một nhóm thanh niên lai vãng. Sau này mới biết những người kia được cử đến bởi một tay anh chị ở Hong Kong. Anh ta thích xem CNP và muốn mời anh làm phim riêng về đề tài xã hội đen. CNP đồng ý với điều kiện phải cho anh hai tháng để quay «Đồng Thoại Mùa Thu». Khi CNP đến New York, tay anh chị kia vẫn không yên tâm nên đã cử người đến trường quay để giám sát.

Trong suốt quá trình quay phim ở Mỹ, Trần Hội Liên luôn đồng hành cùng CNP, từng li từng tí quan tâm chăm sóc anh. Điều đó làm CNP thật sự cảm động. Vì vậy, sau một buổi chiều từ phim trường trở về, CNP mới nói với Trần Hội Liên một câu:
“Tại sao chúng mình không kết hôn nhỉ.?.”
Đó xem như là một lời cầu hôn, không có nhẫn cũng chẳng thấy hoa cỏ gì. Ngày tiếp theo, cả hai đến một nhà thờ ở New York, và họ chỉ bỏ ra 15 đô la cho phí xử lý để trở thành một cặp vợ chồng hợp pháp. Nhiều năm về sau, khi được hỏi: Có bao giờ chị hỏi CNP về quyết định kết hôn năm đó.?. Trần Hội Liên đã trả lời:
“Chưa từng.!. Vì sao ư.?. Trước đó anh ấy thậm chí đã nói không kết hôn với tôi. Bây giờ chúng tôi đã là vợ chồng. Thắc mắc kia là vô nghĩa.”

Tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong lần thứ 06 (1987), CNP vội vã đến buổi lễ sau khi di chuyển từ Macau về Hong Kong (thời điểm đó anh đang quay 2 bộ phim «Long Hổ Phong Vân» và «Long Hổ Cớm»). Vừa ngồi xuống chưa nóng chỗ thì người ta xướng lên cái tên CNP. Lên sân khấu anh chia sẻ:
“Tôi đã đợi ba lần. Ba năm qua, tôi luôn mặc vest, đi giày da và đến từ rất sớm. Nhưng lần nào người đứng đây cũng không phải là tôi. Tại sao tôi lại nhận được giải thưởng này trong lúc ít chuẩn bị và ăn mặc tầm thường nhất. Tôi rất xin lỗi.”
(Khán giả đã cười ồ lên).
Sau một hồi xúc động, cuối cùng, CNP rút trong túi ra một tấm thiệp và nói: “Thật xin lỗi, tôi sẽ kết hôn lần nữa”.
Cuối cùng, CNP đánh rơi chiếc cúp làm nó bị vỡ thành hai mảnh trên đường rời hội trường. Vào thời điểm đó, không ai biết đó là đại diện cho sự may mắn hay điềm báo xui xẻo cho anh.

Tháng 6 năm 1987, CNP và Trần Hội Liên chính thức tổ chức đám cưới long trọng tại Singapore. Trần Hội Liên (28 tuổi) nắm tay CNP (32 tuổi) nói trong nước mắt:
“Trong cuộc đời này, món quà tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng cho tôi là được trở thành vợ của CNP.!.”

Xung quanh cuộc hôn nhân cũng tồn tại không ít lời ra tiếng vào. Chủ yếu là nói Trần Hội Liên chỉ có nhan sắc bình thường, không xứng với đại mỹ nam trong lòng của biết bao cô gái. CNP chỉ nhẹ nhàng nói với báo chí mấy câu:
“Trong làng giải trí, tôi từng thấy rất nhiều mỹ nữ, từng có nhiều bạn gái, cũng không thiếu những lần lãng mạn,… Nhưng tôi dần hiểu ra, điều quan trọng nhất để hai người ở bên nhau là có thể tâm sự và thấu hiểu. Vì vậy người tôi muốn kết hôn cùng là Liên Muội.!.”

Bộ phim «Đồng Thoại Mùa Thu» được phát hành đã thành công cả về giá trị nghệ thuật và đạt doanh thu phòng vé rất tốt. Ngoài ra nó còn giúp CNP có thêm một danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở giải Kim Mã.

Năm 1988, CNP có 03 bộ phim xuất sắc cùng tranh một danh hiệu (nếu tách riêng ra thì bộ nào cũng xứng đáng nhận giải). Cuối cùng «Long Hổ Phong Vân» cũng mang về cho CNP danh hiệu ảnh đế thứ 02 tại giải Kim Tượng lần thứ 07. Trong năm, CNP tham gia một số phim hài và cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ người hâm mộ như là «Bát Tinh Báo Hỷ», «Công Tử Đa Tình», «Nhật Ký Đại Trượng Phu».

Năm 1989, CNP (người vốn ghét cờ bạc từ khi còn nhỏ) lại vào vai một tay cờ bạc khét tiếng với một tấm lưng to rộng và thích ăn chocolate trong «Thần Bài 01» do Vương Tinh làm đạo diễn. Bộ phim đã thành công vang dội khi đứng đầu phòng vé, tạo nên cơn sốt lớn và đánh dấu cột mốc quan trọng trong dòng phim cờ bạc Hong Kong.

Ở thời điểm đó, nhân vật Cao Tiến trong phim còn được thần thánh hóa, mỗi lần trước khi chơi bài, các thím Hong Kong lại đem tấm ảnh chụp sau lưng của ông “Thần bài” đặt trên bàn, thắp nhang cúng bái, cầu phúc, mong cho thắng được nhiều tiền.

Đây là bộ phim thứ 02 CNP làm việc với ông trùm Hướng Hoa Cường. Cũng nhờ đó mà anh đã có thể rút lui khỏi thời kỳ thế giới ngầm thâm nhập vào giới điện ảnh Hong Kong một cách nghiêm túc nhất.

Cũng trong năm 1989, CNP một lần nữa hợp tác cùng đạo diễn Ngô Vũ Sâm trong siêu phẩm hành động «Điệp Huyết Song Hùng». Ngô Vũ Sâm từng chia sẻ:
“Dự án phim ban đầu không được sự đồng ý của công ty và không nhận được sự ủng hộ của Từ Khắc. Điều mà công ty cần vào thời điểm đó là phải có một ngôi sao tầm cỡ như CNP tham gia, nhưng cậu ấy quá bận rộn do đang quay 2 hoặc 3 bộ phim cùng lúc. Vì vậy, trong gần một năm không quay được phim làm tôi vô cùng thất vọng.”
“Sau này, khi gặp CNP, cậu ấy hỏi tôi tại sao trông buồn rầu thế. Tôi nói thật là vì không quay được ĐHSH mà công ty bắt buộc phải có CNP tham gia. Và tôi cũng hoàn toàn hiểu được lịch trình quá kín nên cậu ấy cũng không còn cách nào. Tôi cũng không muốn yêu cầu cậu ấy tìm cách cho tôi thời gian. Nhưng CNP đã biết được những vấn đề nan giải của tôi từ nhiều nguồn thông tin khác. Cậu ấy hiểu rằng với kịch bản đơn giản như vậy, nếu không thuê được một ngôi sao thì sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty tài trợ. Vì vậy, CNP đã tự mình đến gặp họ và nói rằng cậu ấy sẵn sàng làm bộ phim này. Nhờ vậy, dự án phim mới được khởi động.”

Một bộ phim khác trong năm cũng rất thành công đó là «A Lang Đích Cố Sự» do CNP cùng Trương Ngải Gia viết kịch bản và đóng chính. Bộ phim đã mang về cho CNP danh hiệu Ảnh đế lần thứ 03 tại Giải thưởng điện ảnh Hong Kong năm 1990. Đây là lần thứ 02 CNP nếm mùi tự đánh bại chính mình khi có tới 02 bộ phim được đề cử.

Những thăng trầm và thành tựu to lớn trong 10 năm khiến CNP được ví như người được thời đại lựa chọn. Anh dĩ nhiên trở thành một trong những nhân vật chói sáng nhất trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hong Kong.

Sau đó, CNP cũng ít đóng phim hơn và trong năm 1990, anh chỉ xuất hiện trong một bộ phim chiếu tết.
Từ năm 1991 – 1994, CNP lần lượt hợp tác với các đạo diễn quen thuộc như Lâm Đinh Đông (phim «Ngục Tù Phong Vân 02» (1991), «Hiệp Tặc Cao Phi» (1992)); Ngô Vũ Sâm (phim «Tung Hoành Tứ Hải» (1991), «Lạt Thủ Thần Thám» (1992)). Riêng năm 1993 anh không ra mắt bộ phim nào. Năm 1994 CNP trở lại với Phim «Thần Bài 02» đoạt quán quân phòng vé và một bộ phim khác cũng được chào đón không kém và khá thành công khi xếp ở vị trí thứ 04 là «Thiếu Lâm Hoa Kỳ» đóng cùng Ngô Thanh Liên.

Năm 1991, Ngô Mẫn Đạt (38 tuổi), đã giành được giải thưởng cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Anh rất vui và đặc biệt cảm ơn đạo diễn, nhưng đạo diễn nói:
“Người anh nên cảm ơn là CNP, anh ấy đã không ngừng tiến cử anh cho các đạo diễn.!.”
Đã 11 năm trôi qua, Ngô Mẫn Đạt luôn ôm mối hận vì CNP không cho anh ta vay tiền, nhiều lần công khai chỉ trích với truyền thông nhưng CNP chưa bao giờ trực tiếp biện hộ mà chỉ đề cập gián tiếp trong một talk show năm 1989:
“Khi sống trên đảo Lamma, tôi từng chứng kiến ​​nhiều anh em bạn bè ly tán chỉ vì tiền. Từ đó, tôi đặt ra nguyên tắc. Tốt nhất đã là bạn bè thì không nói đến tiền bạc”.

CNP không cho bạn vay tiền, nhưng anh đã âm thầm giúp đỡ bạn ở hậu trường và giới thiệu để anh ta xuất hiện trong nhiều bộ phim. Cuối cùng Ngô Mẫn Đạt cũng hiểu ý tứ đó. Nếu CNP cho anh vay thì khoản tiền kia đã sớm bị phung phí vào cờ bạc. Làm sao Ngô Mẫn Đại có thể nỗ lực rèn luyện bản thân và trở thành một con người mới.?. Sau này Ngô Mẫn Đạt nói với báo chí:
“Hồi đó tôi ghét CNP bao nhiêu thì bây giờ tôi biết ơn cậu ấy nhiều bấy nhiêu”.

Cùng năm, Trần Hội Liên mang thai và rất hạnh phúc. CNP cũng không có nói gì nhiều dù trong lòng cũng vui không kém. Anh dặn vợ không nên làm việc nhiều, phải nghỉ ngơi thư giãn. Anh tự mình giúp vợ làm việc nhà và cũng tự tay chuẩn bị phòng cho em bé sắp sinh. Thật không may, trước ngày dự sinh khoảng một tuần, thai nhi vì bị dây rốn quấn cổ mà chết.

Trần Hội Liên cảm thấy như trời sắp sập, tuy vậy, cô vẫn muốn sinh con theo cách thông thường và muốn tận mắt nhìn con lần đầu và cũng là lần cuối cùng. Trong một talk show hơn 20 năm sau, cô nghẹn ngào trả lời: “Xác suất này rất nhỏ, tại sao lại là tôi.?.”

Các kiểm tra cho thấy thể trạng của Trần Hội Liên không dễ mang thai và không thích hợp để sinh con. CNP sợ vợ gặp bất trắc khi sinh nở nên đưa ra quyết định không có con lần nữa. Quyết định như vậy đã là không dễ dàng đối với người bình thường, CNP lại ở trong làng giải trí với khối tài sản hàng tỷ đô la (HK), lại có gen ưu tú như vậy, không biết có bao nhiêu mỹ nữ sẵn sàng chủ động sinh con cho anh. Khi hỏi tại sao không có con, CNP chỉ cười cười rồi nói: “Làm con của CNP sẽ rất áp lực.!.” Có những người không biết chuyện còn cho là anh bị vô sinh.
Những năm sau đó, CNP giảm bớt lịch trình quay phim để giành thời gian đưa vợ đi du lịch khắp nơi để cả hai cùng vơi bớt nỗi đau mất con.. CNP sau này vẫn chung thủy như vậy, từ khi lấy Trần Hội Liên, anh hoàn toàn không dính bất kỳ một scandal hoặc tin đồn ngoại tình nào.

Năm 1995, CNP đóng phim «Khách Sạn Hòa Bình», đây cũng là bộ phim cuối cũng của anh tại Hong Kong trước khi đến Hollywood. Hình ảnh CNP cầm cây súng khẽ quay đầu nhìn lại trên poster cũng giống như người ta đang nhìn lại một thời vàng son của nền điện ảnh Hong Kong.
CNP sau đó đã trao tặng toàn bộ những chiếc cup và giải thưởng của mình cho bảo tàng nghệ thuật Hong Kong để khẳng định: anh đã sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu mới.
CNP sử dụng 02 năm tiếp theo cho việc học tiếng Anh và sở thích nhiếp ảnh của mình. Cuối năm 1997, CNP sang Hollywood quay bộ phim «Sát Thủ Thay Thế», cũng là phim đầu tay của đạo diễn Antonie Fuqua (đạo diễn của rất nhiều phim nổi tiếng như «Bảy Tay Súng Huyền Thoại», «Nhà Trắng Thất Thủ», «Thiện Ác Đối Đầu»,…) được công chiếu năm 1998. Bộ phim không thành công như mong đợi. Tuy xếp thứ 02 nhưng doanh thu kém xa phim «Titanic» đình đám ra mắt cũng thời điểm.

Năm 1999, CNP tham gia phim hành động khác là «Những Kẻ Thất Bại» cũng không khả quan về doanh thu. Nhưng với vai chính trong «Anna And The King» thì anh nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. CNP đã dùng khả năng diễn xuất của mình chứng tỏ cho khán giả phương Tây rằng, người châu Á cũng có thể đóng vai chính ở Hollywood (anh cũng là người Trung Quốc đầu tiên trở thành sao Hollywood nhờ khả năng diễn xuất chứ không dựa vào võ thuật như một số diễn viên khác).
Sau đó anh về nước quay bộ phim «Ngọa Hổ Tàng Long» được công chiếu năm 2000. Bộ phim hoàn toàn thành công vang dội về mặt doanh thu và cũng nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước (đặc biệt là 04 giải Oscar danh giá). Bộ phim không những khẳng định vị trí hàng đầu của CNP ở châu Á và còn làm giúp anh trở thành siêu sao được nhiều khán giả phương Tây yêu thích.

Năm 2003, CNP tiếp tục đóng chính trong phim «Người Bảo Vệ Kinh Thánh». Năm 2007, anh làm khách mời trong siêu phẩm«Cướp biển vùng Caribe: Nơi tận cùng thế giới». Tuy nhiên, khi công chiếu tại Trung Quốc, các cảnh quay của CNP trong phim bị cut bỏ với lý do tạo hình của CNP quá xấu, sợ làm xấu mặt quốc gia. Năm 2009, CNP tham gia bộ phim cuối cùng ở Hollywood là «Bảy Viên Ngọc Rồng Tiến Hóa» (chỉ đóng vai phụ hỗ trờ các diễn viên trẻ).

CNP cũng tham gia một số dự án phim lớn ở đại lục như là «Hoàng Kim Giáp» năm 2006, «Những Đứa Con Của Hoàng Thạch» năm 2008, «Nhượng Tử Đạn Phi», «Thượng Hải», «Khổng Tử» năm 2010. «Đồng Tước Đài» «Thủ Lĩnh Cuối Cùng» năm 2012.

Truyền thông Trung Quốc chế giễu CNP sang Hollywood làm phim 10 năm chi bằng dùng thời gian đó ở trong nước thì sẽ làm ra không biết bao nhiêu tác phẩm để đời. CNP chỉ cười cười nói: “Tôi sang Hollywood 10 năm và chỉ làm 05 bộ phim. Có thể mọi người chỉ quan tâm đến doanh thu và sự nổi tiếng của tôi ở đó ra sao. Nhưng niềm vui khi đắm mình vào những thách thức và trải nghiệm mới mẻ thì không phải ai cũng hiểu được”.

Sau đó vì không đồng tình với một số quan điểm của nhà nước Tq như đường lưỡi bò và ủng hộ sinh viên HongKong biểu tình, thậm chí năm 2019 Phát Ca còn bị bắt gặp bí mật tham gia biểu tình, nên CNP bị cấm đóng phim ở đại lục. Anh bình thản trả lời báo chí rằng:”VẬY THÌ KIẾM
ÍT TIỀN CHÚT THÔI !”

Từ năm 2014 – 2016, CNP trở lại với dòng phim cờ bạc thông qua seri phim ăn khách «Đỗ Thành Phong Vân» của đạo diễn Vương Tinh. Ngoài ra, anh còn góp mặt trong «Hàn Chiến 02», bộ phim phá vỡ nhiều kỷ lục phòng vé được công chiếu năm 2016.

Năm 2018, thông qua bộ phim đình đám «Phi Vụ Tiền Giả», người ta như nhìn thấy nhiều nhân vật và hình ảnh quen thuộc của CNP khi còn tung hoành ở thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong. Đạo diễn của bộ phim là Trang Văn Cường thật ra cũng là một fan hâm mộ của CNP. Được làm việc với thần tượng là mơ ước của ông.
“Bộ phim này được làm cho CNP. Tôi không cần doanh thu phòng vé cao, chỉ thu đủ vốn cũng được. Tôi hy vọng khán giả sẽ biết ba chữ Châu Nhuận Phát nghĩa là gì sau khi xem «Phi Vụ Tiền Giả».”
“Vì khán giả hậu thập niên 90 chưa trải qua thời đại của “Bản Sắc Anh Hùng” và “Điệp Huyết Song Hùng”, họ thực sự không thể hiểu Châu Nhuận Phát có ý nghĩa như thế nào đối với người hâm mộ trước thời kỳ đó.”

★★★★★

Châu Nhuận Phát không chỉ nổi tiếng nhờ những bộ phim và các vai diễn kinh điển trên màn ảnh mà ông còn được biết đến như một người con hiếu thảo, một ông chồng “hiếm có, khó tìm” một tấm gương về lối sống giản dị cùng với một nhân cách đẹp.

Là một siêu sao với tài sản kết xù nhưng chưa bao giờ CNP tiêu xài hoang phí. Người ta dễ dàng bắt gặp ông đi xe bus, tàu điện ngầm, đi chợ bình dân, mua hàng từ tiệm tạp hóa hay ăn uống ở các quán vỉa hè. Đừng cảm thấy sốc khi CNP cũng là một tay săn hàng giảm giá, đi chợ còn biết mặc cả với người bán. Mặc trang phục rẻ tiền, đi dép lê giá vài vài đô (HK), chiếc điện thoại nokia xài hơn 10 năm mới chịu thay (mà cũng thay bằng điện thoại cũ của vợ).

CNP thường xuất hiện ở nơi công cộng nên không tránh khỏi việc bị fans bắt gặp và xin chụp ảnh. Lúc này ông luôn vui vẻ đồng ý, thỉnh thoảng còn chủ động yêu cầu chụp ảnh chung. Bây giờ CNP chuyên nghiệp đến nỗi ông được mệnh danh là “vua selfie”. Ông chia sẻ:
“Mọi người đã dành quá nhiều thời gian và quá nhiều tiền để xem phim của bạn. Đó là bố mẹ bạn, là sếp của bạn. Tại sao tôi không thể bỏ ra vài giây để chụp ảnh với ông chủ của mình. “

Vì lý do này, có một số câu nói vui ở Hong Kong:
“Nếu bạn muốn gặp một ngôi sao Hong Kong, bạn có thể đến các cửa hàng sang trọng ở trung tâm, và nếu bạn muốn gặp Châu Nhuận Phát, bạn nên đi tàu điện ngầm, xe bus và đến chợ rau.”

“Nếu bạn nhìn thấy một người trên đường phố, tàu điện ngầm và xe bus ở Hong Kong trông giống CNP, đừng nghi ngờ vì đó là anh ấy.”

CNP cũng là nghệ sĩ đầu tiên được viết vào sách giáo khoa trung học sánh ngang cùng nhiều nhân vật lịch sử. Bởi vì nghệ sĩ một khi bị lộ điều tai tiếng sẽ ảnh hưởng đến các em học sinh. Nhưng CNP là một trường hợp mà ai ai cũng phải công nhận ông là một tấm gương đáng được học hỏi và kính trọng.

CNP cho biết, anh không đóng phim miễn phí nhưng sẽ quyên góp toàn bộ tài sản của mình: “Tiền đó vốn không phải của chúng ta, chúng ta đi vào thế giới này cái gì cũng không có, lúc đi cái gì cũng không đem đi được. Hiện tại, tôi vẫn đang nỗ lực làm việc, kiếm tiền chỉ là một loại thái độ với cuộc sống”.

Châu Nhuận Phát bộc bạch, với anh tiền không phải nguồn gốc của hạnh phúc: “Ước mơ của tôi là trở thành một người bình thường và hạnh phúc. Trong cuộc sống, điều khó khăn nhất không phải là anh kiếm được bao nhiêu tiền mà là làm thế nào để giữ được tâm tính bình thản, dùng một phương thức đơn giản mà vô tư vượt qua quãng đời còn lại”…”

★★★★★


Nguồn page Châu Nhuận Phát VNFC

You Might Also Like

Gọi cho KTMart