Mình biết hành trình làm nông nghiệp bền vững lúc nào cũng đầy thử thách và chông gai. Vậy nên, mình xin phép gợi ý 6 bộ phim tài liệu sau, mong các bạn sẽ có thêm động lực và kiên định hơn với niềm tin của bản thân.
- Honeyland
Honeyland là bộ phim tài liệu đầu tiên nhận được đề cử ở cả hai hạng mục Phim tài liệu hay nhất và Phim quốc tế hay nhất trong lịch sử giải Oscar. Bộ phim theo một người phụ nữ nuôi ong theo phương thức truyền thống cuối cùng ở ngôi làng hẻo lánh của đất nước Macedonia. Đến mùa thu hoạch, cô băng qua con đường mòn ở vùng đất bán sa mạc, bám theo vách núi, thu hoạch những tầng sáp ong đầy mật ngọt. Để “trả ơn” cho đàn ong, mỗi khi thu hoạch, cô hát cho chúng nghe và chỉ lấy một nửa. “Một nửa cho tao, một nửa cho chúng mày”. Thế rồi, có gia đình du mục từ nơi khác đến, nhưng họ lại không có kiên nhẫn để chờ đến thời điểm chín muồi để khai thác tổ ong như cô. Bộ phim thể hiện mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên hoang dã, vừa chân thực lại vừa kỳ diệu, vừa đẹp nhưng cũng thật buồn.
- The Biggest Little Farm
Vào năm 2010, đôi vợ chồng trẻ Molly và John Chester không có bất kỳ kiến thức gì về làm nông nhưng đã từ bỏ cuộc sống đô thị, để bắt đầu một trang trại trên khu đất rộng 200 mẫu Anh bên ngoài Los Angeles. Bộ phim tài liệu được John Chester – Đạo diễn truyền hình từng đoạt giải Emmy, quay hơn tám năm. Đi theo chân họ trên hành trình tìm cách tái tạo đất, làm ao chứa nước, làm trang trại giun quế, trồng cây phủ đất, nuôi gia súc, gia cầm… Và cuối cùng đã tạo ra một trang trại bền vững được xây dựng dựa trên sự đa dạng sinh học và sự công nhận của các mối kết nối với thiên nhiên.Thay vì tô vẻ màu hồng, bộ phim đã khắc họa một cách chân thực sự gian khổ, tức giận, đôi khi là tuyệt vọng trên chặng đường làm nông tự nhiên.
- **Kiss the Ground **
Các nhà làm phim đã theo chân một nhóm các nhà hoạt động, chính trị gia, nông dân và nhà khoa học để tìm hiểu về thực trạng của nền nông nghiệp trên toàn thế giới, những thói quen trong canh tác cũng như việc lạm dụng hóa chất vào sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng như thế nào đối với hệ sinh thái, khí hậu và sự tồn tại của loài người trong tương lai. Bộ phim cũng đưa ra giải pháp được gọi là “Nông nghiệp tái sinh”, khám phá cách tái sinh đất – Đây có thể coi là chìa khóa để chống lại biến đổi khí hậu và bảo tồn hành tinh.
- The Economics of Happiness
Bộ phim là tiếng nói từ sáu châu lục kêu gọi thay đổi hệ thống kinh tế. Phim mô tả một thế giới đang chuyển động theo hai hướng đi trái ngược một cách đồng thời. Một mặt, chính phủ và các doanh nghiệp lớn tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa và củng cố quyền lực của các tập đoàn. Cùng lúc đó, khắp nơi trên thế giới, người dân đang nỗ lực để xây dựng lại những nền kinh tế dựa trên sinh thái và ở tầm con người hơn, dựa trên một hình thái mới – Một nền kinh tế địa phương hóa.Khi chuyển dịch sang địa phương hóa, chúng ta không chỉ chữa lành trái đất mà còn thúc đẩy sự thay đổi tập trung vào sự toàn vẹn của cộng đồng và văn hóa, an sinh và hạnh phúc của mỗi người.
- Rotten
Rotten, sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu với các món ăn thường thấy trong tủ lạnh như sữa, thịt gà, socola và bơ. Chuỗi phim còn tiết lộ những góc khuất của ngành này: gian lận, tham nhũng và tranh cãi giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các chuyên gia trong ngành.
- The Need to GROW
Bộ phim được quay trong 3 năm kể câu chuyện về ba nhà lãnh đạo môi trường rất khác nhau: Một bé gái tám tuổi thách thức một trong những tổ chức được yêu mến nhất trong nước, một kỹ sư phần mềm và là nhà phát minh đang phát triển một giải pháp có thể thay đổi thế giới, và một anh nông dân đấu tranh để giữ đất. Bộ phim tài liệu khám phá các phương pháp tiếp cận tiềm năng để cách mạng hóa hệ thống thực phẩm và phương thức trồng trọt, cung cấp những hiểu biết về cách công nghệ mới có thể cứu đất của chúng ta. Nếu có bộ phim tài liệu nào hay và ý nghĩa, rất mong bạn có thể gợi ý thêm cho mình.
Nguồn: Facebook bạn Hồng Diệp: https://www.facebook.com/hongdiep1996/ chia sẻ trên nhóm: Cánh đồng sẻ chia- Cộng đồng tiêu dùng sản xuất bền vững Amap Viet: https://www.facebook.com/groups/2226573884274763/