Dân đi cắm trại ở Nhật có lẽ hầu như ai cũng biết đến nhãn hiệu đồ trại Snow Peak với những món đồ đắt xắt ra miếng và độ phủ sóng rộng khắp Nhật Bản. Bắt nguồn từ một xưởng gia công kim loại nhỏ, Snow Peak đã trở thành thương hiệu tiên phong hình thành văn hóa Auto Camping ở Nhật. Mời cả nhà cùng Nhà Sakura khám phá hành trình phát triển của Snow Peak nhé!
Snow Peak mới đầu là một xưởng gia công kim loại Yamai Yukio Shoten, được thành lập năm 1958 tại thành phố Tsubame Sanjo tỉnh Niigata – nổi tiếng với kỹ thuật gia công kim loại. Người sáng lập xưởng Yamai Yukio có niềm đam mê bất tận với leo núi. Trong một lần đi leo núi, ông đã tận mắt chứng kiến người bạn thân nhất của mình thiệt mạng trong lúc leo núi mạo hiểm do đồ phòng bị không tốt. Vì vậy ông đặt quyết tâm tự thiết kế các dụng cụ leo núi và đặt hàng các thợ thủ công lành nghề trong vùng Tsubame Sanjo chế tạo cho mình. Nhận thấy sản phẩm của mình được ưa chuộng, ông mạnh dạn mở rộng sản xuất. Đến năm 1963, ông đăng ký nhãn hiệu Snow Peak và mở cửa hàng trên khắp nước Nhật.
Sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy sản xuất với quy mô lớn, đang trên đà tăng trưởng tốt thì từ những năm 1976, phong trào leo núi ở Nhật thoái trào khiến cho các sản phẩm leo núi của công ty giảm doanh thu đáng kể, các cửa hàng đồ leo núi trên toàn nước Nhật nối đuôi nhau phá sản. Yamai Yukio Shoten phải chịu gần 10 năm gian khó, chấp nhận tái cơ cấu, cắt giảm các cửa hàng để tồn tại.Sự chuyển mình lớn nhất của công ty là vào năm 1986, khi con trai của Yamai Yukio là Yamai Tohru gia nhập công ty. Đã từng du học và có cơ hội trải nghiệm văn hóa cắm trại ở Mỹ, Yamai Tohru đã nung nấu ý tưởng mang văn hóa này vào Nhật. Vào những năm 1980 sau lễ vận hội Tokyo Olympic, hệ thống đường bộ và công nghiệp ô tô của Nhật phát triển mạnh mẽ, cùng theo đó là sự phổ cập của các dòng xe outdoor SUV. Trong khi đang làm ở một công ty nước ngoài, Tohru nhận thấy outdoor SUV là sự kết hợp tuyệt vời với auto camping và khẳng định đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh phong trào Auto Camping ở Nhật. Ông đã quyết định nghỉ việc ở công ty nước ngoài, gia nhập công ty bố mình để phát triển dòng sản phẩm cắm trại.Trớ trêu thay, đề án sản xuất đồ cắm trại của ông lại không được bố mình phê duyệt. Sau 10 lần bị từ chối, đến lần thứ 11, Tohru quyết định đi hỏi từng khách hàng tiềm năng và trình cho bố mình danh sách khách hàng muốn mua lều trại của mình. Với nhiệt huyết và kết quả thực tiễn này, Yamai Yukio cuối cùng đã duyệt đề án của con trai mình. Vào thời đó, giá một chiếc lều trung bình rơi vào khoảng 2tr – 4tr VND nhưng tính năng kém, không chịu được mưa gió. Trong khi đó, chiếc lều đầu tiên của Snow Peak có giá 34tr VND!, với chất liệu vải và khung tốt nhất và có thể chịu được mọi thời tiết. Tuy là giá trên trời nhưng chiếc lều này vừa ra mắt đã bán được hơn 100 chiếc, lập kỷ lục thời bấy giờ.Tiếp nối thành công này, Snow Peak phát huy sở trường sản xuất đồ kim loại chất lượng cao của mình và liên tiếp cho ra mắt những dòng sản phẩm tạo nên tên tuổi của hãng như bếp lửa, cốc titan… Cùng với sự phát triển thần tốc này, công ty dẫn đầu trong việc hình thành một phong cách sống (lifestyle) mới là cắm trại hòa mình cùng với thiên nhiên (camp style). Đây cũng là giai đoạn phát triển vượt bậc của nền kinh tế, dân Nhật có điều kiện chi tiền cho những thú vui mới, thúc đẩy phong trào camping ở Nhật phát triển mạnh mẽ.
Năm 1996, Yamai Tohru thay cha mình tiếp quản công ty và đổi tên công ty thành Snow Peak. Tuy nhiên do ảnh hưởng của sự sụp đổ của bong bóng kinh tế, trong những năm tiếp theo thị trường camping của Nhật giảm sụt một cách rõ rệt khi hàng loạt bãi trại, các tạp chí và cửa hàng outdoor đóng cửa. Snow Peak cũng bị chịu ảnh hưởng nặng nề với doanh thu giảm 6 năm liên tiếp.Trong thời kỳ khó khăn này, nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết với khách hàng và tăng sức mạnh của thương hiệu, Snow Peak đã giảm số lượng cửa hàng từ 1000 xuống còn 250 và đặc biệt hơn là khởi động sự kiện Snow Peak Way vào năm 1998 để tăng cường tiếp xúc với khách hàng. Snow Peak Way là hội trại được tổ chức tại các khu trại của Snow Peak với mục đích tạo cơ hội cho khách hàng và nhân viên Snow Peak cùng cắm trại và giao lưu. Với những nỗ lực này, Snow Peak đã xây dựng được một lượng fan hùng mạnh và doanh thu của hãng cùng bắt đầu hồi phục trở lại từ năm 2000. Đặc biệt trong những năm gần đây với sự phục hồi của phong trào cắm trại ở Nhật, đỉnh điểm là dịch COVID khiến dân số đi cắm trại ở Nhật tăng đột biến, Snow Peak liên tục báo lãi kỷ lục và củng cố vị trí thương hiệu hiệu hàng đầu Nhật Bản.
Với bề dày lịch sử và sức mạnh của nhãn hiệu, dù giá cả sản phẩm trên trời nhưng vẫn có nhiều người thích Snow Peak, theo mình là bởi 3 lý do chính như sau. Thứ nhất là sản phẩm Snow Peak không có phiếu bảo hành vì công ty tự tin tuyệt đối với chất lượng sản phẩm và cung cấp dịch vụ bảo hành vô thời hạn. Thứ hai là thiết kế đơn giản nhưng cực kỳ cá tính, cả logo hình bông tuyết của Snow Peak cũng góp phần làm nên vẻ đẹp tinh tế của sản phẩm. Thứ ba là bộ sưu tập phong phú phục vụ đủ các nhu cầu cắm trại từ lều, tarp, bếp bàn ghế đến các đồ nhỏ như bát đĩa cốc chén, đồng nhất thiết kế của toàn bộ đồ cắm trại cũng là một động lực mua hàng to lớn cho các fan của hãng.
Bài và Ảnh từ Facebook của Anh Dzung Dao: https://www.facebook.com/profile.php?id=584239790